Làm trữ quân Tống Anh Tông

Khi đó ba hoàng tử của Nhân Tông đều chết yểu, các phi tần còn lại chỉ sinh ra con gái, nên Nhân Tông không có người kế vị. Khoảng giữa những năm Gia Hựu (1057 - 1063), tể tướng Hàn Kỳ nhiều lần dâng sớ xin lập hoàng trữ[4], Nhân Tông đã có ý lập Tông Thực. Vào năm 1059, Bộc vương Doãn Nhượng qua đời, Tông Thực phải trở về phủ chịu tang. Năm 1062, ông được bổ nhiệm Tần châu phòng ngự sứ, Tri Tông chánh tự, nhưng lại bốn lần dâng biểu, lấy lý do phục tang mà từ chối. Khi ông hết tang, Nhân Tông hạ chiếu phong làm hoàng tử, ban tên là Thự, ông cáo bệnh mà từ chối. Nhân Tông triệu Phán Đại tông tự An Quốc công đến truyền chỉ, Thự vẫn không nhận. Người trong nhà là Mạnh Dương hỏi lý do, ông đáp

Không muốn nghĩ đến cái phúc trước mắt, chỉ muốn tránh tai vạ.

Mạnh Dương nói

Thiên tử mấy lần truyền chiếu cứ cố từ không nhận; một mai triều thần nghe tin mà nghi hoặc thì có còn giữ được cái gọi là phúc không?

Tông Thực hiểu ra, bèn cùng Tòng Cổ vào cung. Trước khi lên đường ông nhắn với gia nhân rằng

Trông nom cơ nghiệp, khi hoàng thượng có đích tự, ta sẽ quay về.

Sau đó, mỗi ngày ông lên triều một lần, có khi phải ở trong cung mấy hôm. Tháng 9 ÂL năm 1062, được dời Tề châu phòng ngự sứ, tước Cự Lộc quận công[4]. Ngày 30 tháng 4 năm 1063, Nhân Tông lâm bệnh nặng, liền cho triệu hoàng hậu Tào thị đến. Khi đó Nhân Tông không thể nói được nữa; hoàng hậu triệu các thái y đến châm cứu và dâng thuốc nhưng đã không kịp. Đêm hôm đó, hoàng đế qua đời[5]. Hoàng hậu sợ có biến, liền giữ các chìa khóa các cung ngay bên mình, đến sáng hôm sau triệu hoàng tử và các đại thần đến bàn việc lên ngôi. Hoàng tử thất sắc nói: Không dám theo, không dám theo. Hàn Kỳ cùng các đại thần ra sức thúc ép, đưa sẵn triều phục; triệu Vương Khuê đến thảo di chiếu rồi tuyên đọc ở điện Phúc Ninh.